(Dân trí) - “Trong giáo dục cần phát huy sáng tạo, coi người học là chủ thể trung tâm. Khuyến khích tự học. Tổ chức các hình thức học tập đa dạng, tăng cường ứng dụng công nghệ, truyền thông vào quá trình dạy và học”, đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo.
Sáng 3/10, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng với các đồng chí Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với cán bộ giảng viên, sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM nhân dịp khai giảng năm học 2014 - 2015.
Báo cáo với Thường trực Ban Bí thư và Bộ GD-ĐT, NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho biết, được Bộ Chính trị xác định là một trong hai trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, nhà trường đã có nhiều nỗ lực, cố gắng không ngừng để thực hiện tốt các kế hoạch năm học, đổi mới và không ngừng phát triển trên các mặt công tác.
Trong năm học mới 2014-2015, Trường ĐH Luật TPHCM có 1.548 sinh viên trúng tuyển làm thủ tục nhập học, 615 học viên hệ chính quy văn bằng hai, 350 học viên cao học, 15 nghiên cứu sinh... Trong những năm qua, trường đã đầu tư mạnh vào các chương trình đào tạo đặc biệt như: chương trình đào tạo cử nhân luật chất lượng cao, đào tạo theo chuẩn chất lượng cao và chương trình đào tạo cử nhân luật chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp, tiếng Nhật...
Nhằm đáp ứng nhu cầu của công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, trong năm học 2013 - 2014, ĐH Luật TPHCM tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân Luật chất lượng cao nhóm các chuyên ngành Luật Hành chính - Tư pháp và tiến hành tuyển sinh được 59 sinh viên tham gia vào lớp học này.
Năm học qua, Trường ĐH Luật TPHCM cũng đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế và trong nước với quy mô lớn, mang tính thời sự, có giá trị khoa học như hội nghị giới thiệu Hiến pháp sửa đổi năm 2013, hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”. Hội thảo này đã tập trung vào bàn luận, phân tích các khía cạnh pháp lý, đánh giá, phân tích sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dưới góc độ pháp lý...
Trong năm học mới 2014 - 2015, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong hợp tác quốc tế, ĐH Luật TPHCM phấn đấu nâng cao vị thế của trường trong các cơ sở đào tạo luật của khu vực ASEAN.
Trong năm học mới này, đồng chí Lê Hồng Anh chỉ đạo nhà trường cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 của BCH TW Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát huy tính sáng tạo, coi người học là chủ thể trung tâm của giáo dục, khuyến khích tự học, tổ chức các hình thức học tập đa dạng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong dạy và học.
Nhà trường cần có chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, tập trung đào tạo nhân lực cao, bồi dưỡng nhân tài, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống...
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cũng căn dặn các em sinh viên: “Là thế hệ trẻ, ngoài phấn đấu học tập, tu dưỡng đạo đức, tác phong, cần xây dựng ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, sáng tạo trong học tập, hăng hái tham gia các hoạt động đoàn, hội, văn thể mỹ... Phải ra sức thi đua, phấn đấu để vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Phải thật sự là chủ thể trung tâm của giáo dục, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo để phát triển mọi mặt, khi ra trường sẽ đảm đương vị trí công tác tốt...”.
Cũng nhân dịp khai giảng năm học mới 2014 - 2015, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo TPHCM đã trồng cây lưu niệm tại cơ sở 2 của Trường ĐH Luật TPHCM (123 Quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức).
Sáng nay 3/10, ngay sau lễ khai giảng năm học mới, Trường ĐH Luật TPHCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013”. Hội thảo thu hút sự quan tâm tham gia của các Đại biểu Quốc hội, luật gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế...
Hội thảo nhằm chia sẻ với giới nghiên cứu lập pháp, các nhà quản lý, các giảng viên tham gia đào tạo luật tại Việt Nam những nghiên cứu có giá trị về những nội dung cần sửa đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam để đảm bảo tính tương thích với Hiến pháp trong quá trình triển khai thực hiện. Chủ đề hội thảo tập trung góp ý những nội dung cụ thể cần được sửa đổi, bổ sung trong các lĩnh vực pháp luật Hành chính, Dân sự, Kinh tế, Đất đai, Môi trường để việc triển khai Hiến pháp được thực hiện một cách hiệu quả.
|