Có phải cứ chuyển trung cấp lên cao đẳng, rồi đại học là có “nhân tài”?
(11:24:00 AM 16/05/2016)

Đã có không ít các chuyên gia giáo dục cho rằng, số lượng trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ở nước ta hiện nay được thành lập quá nhiều, đặc biệt là ĐH công, trong đó không ít các trường trung cấp, CĐ “đội mũ” ĐH, dẫn đến chất lượng tuyển sinh đầu vào quá thấp, hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí trong việc sử dụng ngân sách cũng như nguồn nhân lực.

  

Thí sinh dự thi đại học (ảnh minh họa)
 

Tính đến tháng 6/2014, tổng số các trường ĐH, CĐ là 433, trong đó, số trường công lập là 347 trường, số trường ngoài công lập là 86 trường. Có lẽ chính việc thành lập ồ ạt các trường ĐH, CĐ không theo quy hoạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng 72.000 cử nhân sau khi tốt nghiệp không có việc làm.

Vì chạy theo xu thế coi trọng bằng cấp của phần lớn người dân, nên một vài năm trước đây đã để xảy ra hiện tượng nhiều trường trung cấp, cao đẳng sau 3 - 5 năm thành lập lại đua nhau lập đề án xin nâng cấp lên thành trường CĐ, ĐH. Rất nhiều địa phương trên cả nước muốn “bằng chị, bằng em” cũng xin mở ồ ạt các trường ĐH. Tuy nhiên, nhiều trường khi được nâng cấp lại có nhiều ngành nghề không đúng với thực chất năng lực đào tạo dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu xã hội.

Hẳn nhiên, người đứng đầu ngành Giáo dục đã nhìn ra vấn đề này. “Chúng ta không chấp nhận việc một trường trung cấp đang hoạt động tốt, sẵn sàng nâng cấp để trở thành trường cao đẳng yếu. Sau một thời gian phục hồi, có thể đứng được bằng "hai chân" mình rồi lại “nhấp nhổm” muốn trở thành trường đại học. Thực tế vừa qua cho thấy, chúng ta luôn có nhiều trường không mạnh, và cả hệ thống luôn ở trong trạng thái không ổn định, bất an” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn nêu vấn đề trong một Hội nghị của ngành Giáo dục diễn ra đầu năm nay.

Nói là làm! Cuối tháng 3/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD ĐT) đã có văn bản gửi các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để điều chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ trên địa bàn hoặc thuộc quyền quản lý. Trong văn bản này nêu rõ: "Bộ GD ĐT sẽ dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị nâng cấp và thành lập mới trường ĐH, CĐ…”. Cùng với đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi tháng 6/2014, trước mắt, hạn chế tối đa việc nâng cấp, cho phép thành lập thêm các trường ĐH, CĐ.

Một Hiệu phó của trường CĐ ngoài công lập đã chia sẻ với người viết bằng thái độ đầy “tiếc nuối”: “Biết Bộ GD ĐT siết chặt như bây giờ thì trường mình “cố một tý” từ trung cấp lên “thẳng” ĐH, không đi đường vòng CĐ. Giờ chắc hết cơ hội rồi, ít nhất là trong vòng vài năm nữa...”. 

Có lẽ không phải một trường đó, mà chắc không ít trường trung cấp, CĐ giờ đang đầy “ngậm ngùi”, tiếc nuối vì mấy năm trước việc nâng cấp quá “dễ dàng”...

Tuy vậy, dư luận chưa thực sự yên tâm trong việc giữ kỷ cương siết chặt cho phép nâng cấp, thành lập trường ĐH, CĐ, vì chỉ trong vòng mấy tháng gần đây, một loạt các trường ĐH liên tiếp được thành lập. Có thể kể ra đây: Ngày 21/7, Trường Đại học Việt - Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được quyết định thành lập; ngày 24/7, thông qua Dự án thành lập Trường ĐH Thủ đô Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Sư phạm Hà Nội. Hay như riêng trong tháng 9 này, một loạt trường ĐH nữa cũng được ra đời như: Học viện Khoa học và Công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trường ĐH Khánh Hòa được thành lập gộp từ Trường CĐ Sư phạm Nha trang và Trường CĐ Văn hóa – Nghệ thuật Du lịch Nha Trang; thành lập Trường ĐH Luật trên cơ sở khoa Luật thuộc ĐH Huế.

Đành rằng, lãnh đạo Bộ GD ĐT từng lý giải, việc nâng cấp nếu có đặt ra, chính là do nhu cầu xã hội, do đòi hỏi khách quan... Tuy nhiên, dư luận vẫn mong muốn một sự chỉ đạo cương quyết hơn, trách nhiệm hơn trong việc cho phép thành lập, nâng cấp các trường ĐH; tập trung nâng dần chất lượng đào tạo, để sinh viên ra trường “ngẩng cao đầu” cầm tấm bằng tốt nghiệp tự tin đi xin việc.

 
Theo Mỹ Anh
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam